Thất bại khi khởi nghiệp – đối diện với nó như thế nào?
Khởi nghiệp đang được xem là một trào lưu, bạn có thể là một doanh nhân thành công nhưng bạn cũng có thể sẽ thất bại. Gặp vấn đề về vốn đầu tư, con người, những trục trặc gia đình, lợi nhuận không như kỳ vọng đều có thể dẫn đến thất bại trong lần đầu khởi nghiệp, song đó không phải lý do khiến bạn từ bỏ. Để đối diện với điều này những người thành công đã chấp nhận, vượt qua nó ra sao?
Đầu tiên, hãy biết chấp nhận thất bại
Cũng như thành công thì thất bại là chuyện xảy ra thường xuyên, hãy luôn tâm niệm rằng thất bại là sự khởi đầu gian nan, thất bại sẽ giúp bạn cân bằng lại cuộc sống và nhìn lãi những vấn đề gặp phải, mở ra cánh cửa mới phát triển và hoàn thiện bản thân.
Hãy đứng lên từ chính thất bại đó
Những người thành công sẽ có khả năng đứng dậy sau những sai lầm, thất bại. Hãy nhìn lại những gì bạn làm đúng nhưng kết quả lại không như mong muốn. Đặt câu hỏi tại sao cho những trường hợp đó, tại sao bạn đã làm đúng mà lại không thành công, cần nhìn nhận lại và bạn sẽ không mắc phải những sai lầm đã gặp phải. Đó chính là chìa khóa giúp bạn đứng dậy sau thất bại.
Coi thất bại chỉ là tạm thời
Những người cá nhân hóa thất bại thường coi rắc rối như một cái hố mà họ bị kẹt lại vĩnh viễn trong đó. Song người thành công coi mọi khó khăn chỉ là tạm thời. Với họ thất bại là là một sự kiện cá biệt, không phải là “căn bệnh” kinh niên. Đã có rất nhiều bậc vĩ nhân, tỷ phú trên thế giới từng rơi vào vực thẳm thất bại nhưng họ đã vươn lên và tỏa sáng.
Không bao giờ từ bỏ
Khi thất bại sẽ có hai sự lựa chọn, đó là chấp nhận thất bại và than thở. Hãy chịu trách nhiệm về lỗi lầm của bạn để giữ lại cái đúng đắn, đừng coi thất bại là bản chất con người bạn. Đừng bao giờ từ bỏ khi thất bại, những người không chịu từ bỏ luốn tiếp tục cố gắng bởi họ không xem kết quả là sự thất bại mà đánh giá về giá trị bản thân. Tự nhận thức về bản thân và đánh giá được giá trị của bản thân.
Tập trung vào những gì mạnh nhất
Để đối diện và vượt qua thất bại thì những người thành công biết cách tránh khỏi sự cá nhân hóa thất bại và tập trung vào những điểm mạnh của mình. Người thành công khác biệt ở chỗ biết khai thác những điểm mạnh, tập trung vào những điều họ làm thay vì những điều không thể làm. Nếu nguyên nhận thất bại là do điểm yếu thuộc về tính cách và bản chất thì bạn cần khắc phục sớm, tập trung cải thiện điểm yếu đó cho đến khi thành công.
Doanh nhân khởi nghiệp và đối diện với sự thất bại
Anh Nguyễn Trung Thành (Hải Dương) đã chấp nhận để gia đình ly tán sau khi số tiền 200 triệu đồng đầu tư cho dự án rau sạch trôi theo dòng lũ. Đầu năm 2007, khi đang là nhân viên một công ty xây dựng tại Tây Nam bộ, nhận thấy nhu cầu về rau an toàn bắt đầu manh nha trên thị trường, anh Thành đã nghỉ việc để chuyên tâm sản xuất kinh doanh. Dùng toàn bộ 200 triệu đồng tích cóp của hai vợ chồng và một phần vốn vay từ người thân, anh thuê 4,5 ha đất và đầu tư quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Mọi thứ đã diễn ra rất suôn sẻ, sau gần 2 năm hoạt động sản xuất kinh doanh đi vào ổn định, bắt đầu cho lợi nhuận.
Nhưng chỉ sau một đêm lũ tràn về, toàn bộ khu trồng rau bị ngập trắng. Tâm huyết, tiền bạc, công sức không cứu vãn được gì ngoài một phần diện tích trồng rau mầm không bị ngập, anh chỉ còn biết trông chờ doanh thu vào số lượng rau ít ỏi của phần diện tích này. Để cơ sở có thể cầm cự, anh tìm cách mở rộng thị trường rau mầm ra Hà Nội. Để lại vợ con trong Nam, một mình anh ra Bắc dò dẫm tìm kiếm thị trường, vừa sản xuất, kinh doanh. Song với chi phí đầu tư hạn hẹp, sản phẩm rau mầm không được quảng bá rộng rãi, nên dù chất lượng tốt rau vẫn không thể vào các siêu thị.
Vài tháng sau, đúng lúc sản phẩm rau mầm của anh cũng bắt đầu có chỗ đứng tại miền Bắc, thì gia đình trong Nam lại gặp trục trặc. Anh phải bỏ dở hết để quay vào Nam. Không thể tìm được đối tác tin cậy, am hiểu sản phẩm để giao phó, anh đành để dự án rau sạch phá sản. Mất vốn, thất nghiệp, gia đình trước nguy cơ ly tán…
Một thời gian sau, anh quyết định thay đổi môi trường sống và chuyển hẳn về Hà Nội khi xin được việc tại một công ty FDI với vị trí trưởng phòng nhân sự. Lúc này anh bắt đầu có ý tưởng về một ngân hàng hồ sơ ứng tuyển trực tuyến mới mẻ. Song do khó khăn về tài chính, khi các khoản nợ của lần thất bại đầu tiên vẫn chưa được trả hết nên anh ấp ủ trong lòng. Giấc mơ về một CVbank, khát khao tiếp tục khởi nghiệp được anh nuôi dưỡng trong suốt 5 năm. Tháng 10 năm ngoái, sau khi hoàn thành số nợ cũ và tiết kiệm được một khoản vốn anh quyết định khởi nghiệp lần thứ hai. Đến nay, sau một năm vận hành, dự án của anh đã thu hút hơn 45.000 hồ sơ chất lượng cao, đồng thời, hiện có 3 nhà đầu tư muốn rót vốn.
Khi xem xét về nguyên do từ bỏ kinh doanh, ông Lương Minh Huân, viện phó Viện phát triển Doanh nghiệp VCCI cho biết có ba lý do chính được đề cập nhiều nhât liên quan tới vấn đề cá nhân, tài chính và gặp sự cố. "Trong đó, không có lợi nhuận và trục trặc cá nhân là hai nguyên nhân chính khiến dự án thất bại ngay từ lần khởi nghiệp đầu tiên. Song, tỷ lệ từ bỏ kinh doanh tại Việt Nam vẫn ở mức thấp so với nhiều quốc gia cho thấy sự dẻo dai kiên trì của các start-up Việt", ông nhận xét.
Bình luận (0)